Đàn ông Sài Gòn và đàn ông Hồ Chí Minh
Tác giả: Nguyễn Ngọc Già
Sau đại thảm họa 1975, quê hương Việt Nam chìm trong u tối. Màn đêm dày đặc đó đã gần 45 mùa Xuân - Những mùa Xuân sau song sắt. Cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Quê hương này vẫn đang tiếp tục bày ra những tâm hồn rữa nát và nhân cách bại hoại của người Việt Nam.
Ba tôi - vốn dĩ là một người mù quáng bởi "lòng yêu nước mù lòa" dẫn dắt - ông không nhận ra chân giá trị một cách tỉnh táo, để rồi trôi theo dòng thác cuộn chảy gầm gào của những năm tháng ngỡ ngàng - kể từ sau ngày... "giải phóng" - được bày ra bởi hiện thực xã hội tan nát nhanh chóng, ngay sau năm 1975. Dầu vậy, ba tôi - ông vẫn xứng để gọi tên: đàn ông Sài Gòn. Một người đàn ông chu toàn và chịu trách nhiệm trong một gia đình đông con.
Ba và má tôi dắt díu nhau từ ngoài Hội An chạy vô Phan Thiết, rồi trôi dạt vào đất Sài Gòn từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Với tay nghề thợ mộc lâu năm cùng sự tinh tế và đam mê với "nghiệp", hơn 15 năm sau, ông trở thành ông chủ của hãng đồ gỗ lớn nhất nhì Sài Gòn vào lúc bấy giờ.
Tất nhiên, một đời sống sung túc - từ sức lao động chân chính của cha - đến với con cái của ông thật nhẹ nhàng.
Anh chị em chúng tôi không vì giàu có mà quên đi lễ nghĩa và cách sống ở đời.
Điều sẽ gây ngạc nhiên cho giới trẻ ngày nay, bởi trong môi trường sống đủ đầy như vậy, dễ làm anh chị em chúng tôi biến thành những "cậu ấm cô chiêu".
Tôi nhớ ba mình dạy lời đơn giản: Ba phải kiếm nhiều tiền để lo cho các con cuộc sống đầy đủ. Vì vậy, ba không có nhiều thời gian dành cho các con đâu! Hãy bảo ban nhau và học từ thầy cô, bạn bè cùng với lối xóm quanh mình. Hãy sống bằng sự thiện lương và ngay thẳng, các con sẽ có tất cả.
Anh chị em chúng tôi cùng nhau lớn lên như thế...
Xã hội bình an và thanh thản giữa lòng Sài Gòn, dù tai chúng tôi vẫn không thiếu tiếng đại bác đêm đêm dội về ầm ì cùng những hỏa châu đỏ rực rơi vào hư không của những đêm tối, dù mùa Hè hay mùa Xuân...
Đó không phải là khung cảnh vẽ vời nhằm vờ vĩnh những gì thuộc về một chế độ mà người ta hay nói "đã chết nhưng không chôn được"!
Những người anh lớn của tôi - có người lao theo Cộng Sản - lúc bấy giờ, vẫn làm các em ngưỡng mộ với lối sống hào sảng, khoáng đạt, mặc dù đôi lúc cũng làm bực mình vì tính nghiêm minh có phần khắt khe, trong mắt tôi.
Đứa nhỏ mà dám to tiếng cãi lời và xưng hô "mày tao" là ăn roi!
Anh Tư nhà tôi luôn bắt nằm xuống và đét những lằn roi đau thấu trời xanh! Tôi vẫn nhớ...
Nhưng đó là những ngọn roi đúng nghĩa "thương cho roi cho vọt". Bởi mỗi lần trước khi "ăn roi mây", anh tôi luôn giảng giải cái hư cái sai của mình, sau đó mới bắt nằm xuống và... quất vào mông.
Ngày anh Ba tôi bị chỉ điểm và bị bắt vì làm gián điệp cho Việt Cộng, cả nhà bàng hoàng.
Má tôi khóc sụt sùi. Mấy chị gái mặt mày xanh mét. Nhỏ như tôi thì ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra với gia đình mình. Ba tôi lặng thinh lúc đó. Vài ngày sau, ba tôi cũng bị bắt luôn.
Ngày ra tù, ba tôi về nhà, ông vẫn giữ sự im lặng cho đến mãi sau này...
Đó là lúc tôi láng máng hiểu về hai tiếng "Danh Dự".
Tôi đặt câu hỏi với ba tôi về cái thứ "danh dự" của "bên thắng cuộc", sau khi anh rể tôi (binh chủng không quân) cùng các người anh em bà con khác bị lừa đưa vào "trại cải tạo" và đã "học tập" xong (!). Ông im lặng trong bất lực và tê tái! Sự lặng im đến tái tê của ông là câu trả lời rõ nghĩa rồi!
Tôi chợt nhớ đại tá Hồ Ngọc Cẩn thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa, khi bị Việt Cộng xử bắn vào ngày 14/8/1975, ông bình thản nói: Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi. Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh làm nhục tôi.
Danh Dự - khái niệm chỉ có Con Người được học hành tử tế và thấm đẫm trong xã hội loài Người mới hiểu thấu!
Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
Như giòng sông nước quẩn quanh buồn
Như người đi cách mặt xa lòng...
(Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên - Nguyễn Đình Toàn)
Sài Gòn đã mất và nó được thay bằng Hồ Chí Minh.
Không biết vì sợ mang tiếng báng bổ hay có vẻ sợ Hồ Chí Minh cô đơn, chơ vơ và lạc lõng giữa đô thị phồn hoa, văn minh mà giàu lòng nhân ái, người CSVN luôn luôn phải thêm chữ "thành phố" cho nó?!
Tôi thật đểnh đoảng đến nỗi mãi sau này mới tìm lục lại để biết, ngày mà Hồ Chí Minh chễm chệ thay thế Sài Gòn thân yêu của tôi là vào hôm 2/7/1976!
Đàn ông Sài Gòn - lớp sanh sau đẻ muộn và còn ở lại nơi chôn nhau cắt rún - chẳng còn là mấy.
Lượng đổi ắt chất phải đổi.
Người dân tứ xứ đổ về Sài Gòn ngày càng đông đúc.
Di dân là một hiện tượng xã hội, vốn buộc phải dịch chuyển tuân theo dòng chảy của nền kinh tế.
Nền kinh tế có một không hai trên thế giới mệnh danh "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" ngự trị một cách phản khoa học nhưng nó thật nghênh ngang đến độ choán hết tất cả mọi "nẻo đường" thân quen của Sài Gòn.
Kinh tế thay đổi, mọi thứ đổi thay...
Ngược lại với người đàn ông Sài Gòn đầy trách nhiệm, hào sảng, cao thượng, không phân biệt Nam - Bắc, người đàn ông Hồ Chí Minh vô trách nhiệm, hẹp hòi, tiểu nhân và ranh giới Nam - Bắc về những bản tính xấu xí đó, cũng không phân biệt vùng miền nốt.
Sự thật đắng lòng này đã phơi bày trên báo Tuổi Trẻ với các nhân vật trong phim Việt Nam sau này qua bài "Đàn ông Việt trên phim, thừa bạo lực thiếu nam tính" [*].
Điện ảnh luôn là nơi phản ánh nhịp thở của cuộc đời. Dù là hư cấu nhưng không thể chối bỏ. Địa hạt này cho thấy bức tranh hiện thực u ám của "màu lông chuột" bẩn thỉu mang danh "đàn ông Hồ Chí Minh"!
Dơ dáng và hầm hố, ranh ma và thủ đoạn, tốt mã và đĩ thõa, trí thức hay giang hồ, tốt tính hay xấu bụng v.v... là những hình ảnh dễ bắt gặp trên phim. Nhưng... trên hết, dù ở bộ dạng nào, "đàn ông Hồ Chí Minh" cũng cùng một thứ chuẩn mực: Lợi và danh trên hết! Bất chấp đạo lý, bất cần nhân cách, bất kể luân lý, người "đàn ông Hồ Chí Minh" luôn là như vậy, kể cả những nhân vật trong vai chính diện vẫn đầy một thứ "đạo đức Hồ Chí Minh" - đạo đức giả chánh hiệu!
Không dừng tại đó, từ phim bước ra đời với "người mẫu" Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền ăn nói huênh hoang, hình xăm hầm hố, vàng đeo trĩu nặng cùng sự tung hô vang lừng từ vô số những người ái mộ đã là một thực trạng thuyết phục không thể nào chối cãi về "đàn ông Hồ Chí Minh" (!).
Mới đây, Phú Lê - vừa bị bắt - một loại "mẫu rập" như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền. Tất nhiên, Phú Lê không thiếu hình xăm khắp thân thể, khiến người nhìn cảm nhận lạnh sống lưng thay vì nhìn thấy tính thẩm mỹ của nghệ thuật xăm trổ. Trước đó, người ta cũng không quên nhân vật nổi trội mang đậm chất đàn ông Hồ Chí Minh - Đường Nhuệ.
Duy Mạnh - ca sĩ nổi danh một thời từ nhạc phẩm "Kiếp Đỏ Đen" tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm - đã dùng những ngôn từ mằng chửi phụ nữ đủ gây táng đởm kinh hồn về nhân cách làm người và tư cách đàn ông. Điều dư luận lên án nặng nề còn vì Duy Mạnh là ca sĩ chuyên nghiệp - một nghề mà lẽ ra mang những điều tốt đẹp đến cho hồn người nhưng ngược lại, những câu chữ chát chúa của Duy Mạnh không hề thua kém hạng "đầu đường xó chợ" đã khơi gợi lại tục ngữ "xướng ca vô loài" - gây tiếng xấu nặng nề và thật khó gột rửa cho giới văn nghệ sĩ. Có thể nói, Duy Mạnh - "hiện thân tổng hòa" xứng đáng làm đại diện cho đàn ông Hồ Chí Minh trong mọi hoàn cảnh và trong nhiều điều kiện.
Ngay cả những tướng cướp lừng danh một thuở: Đại Cathay, Tín Mã Nàm cho đến Bạch Hải Đường của Sài Gòn, họ cũng không hề mang dáng dấp những con nhím xù lông hay "đanh đá cá cày" để rồi... ủ rủ và khóc lóc như một con mèo ướt, khi đối diện với nhà tù! Quả khôi hài và lố lăng tận cùng đối với "đàn ông Hồ Chí Minh"!
Một dạng "người mẫu" khác nhưng cũng là "đàn ông Hồ Chí Minh"- những đảng viên ĐCSVN - qua vụ ăn hối lộ của Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng một lô một lốc tướng tá công an và quân đội tham nhũng v.v... Những Son, những Tuấn, những Út trọc, những Văn Hiến, những Văn Vĩnh, những Việt Tân v.v... đã lột sạch những gì mà "đạo đức" của "cha già dân tộc" luôn luôn được khuếch trương rầm rộ suốt hàng chục năm qua! Ngó chúng, người đời vừa tức lại vừa cười.
Người đời cợt nhả và mỉa mai không chỉ vì những lời ngụy biện ngờ nghệch của chúng mà cao hơn thế, thiên hạ dè bỉu "đàn ông Hồ Chí Minh" sao mà hèn hạ và nhục nhã đến mức đổ vấy trách nhiệm cho người khác, hoặc giả đổ thừa tiền hối lộ cho vợ con mình mà không hề chút băn khoăn hoặc cầu xin đồng chí của họ nương tay khi kêu án! Của đáng tội nghiệp!
Thằng "đàn ông Hồ Chí Minh" vốn dĩ là vậy và chỉ có thể là vậy!
Rồi một ngày sẽ phải đến...
Đàn ông Sài Gòn giờ chỉ còn phảng phất đây đó tại Hồ Chí Minh, nhưng khí chất đàn ông Sài Gòn vẫn âm thầm duy trì như mạch sống dẻo dai của người Việt Nam.
Rồi đến một ngày, đàn ông Sài Gòn sẽ "hồi sinh" như Nhạc Vàng đang sống lại mãnh liệt trên mảnh đất đầy ắp tình người, chan chứa hồn người.
Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn Ơi!
Tôi hằng tin điều giản dị đó!
Nguyễn Ngọc Già
Hay.
ReplyDelete